Hội thảo

Hội thảo “Góp ý đối với Dự thảo Luật Hoá chất (sửa đổi)”

13/05/2025

Sáng ngày 14/03/2025 tại Trụ sở các cơ quan của Quốc hội, Công ty TNHH Enviapac Research & Consulting đã tham dự buổi hội thảo góp ý Dự thảo 7 của Luật Hoá chất (sửa đổi). Hội thảo được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN& MT) của Quốc hội tổ chức.

 

Hội thảo góp ý dự thảo Luật Hóa chất sửa đổi

Tham dự Hội thảo có các Ủy viên là đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách tại Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường; ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn VCCI; đại diện Bộ Công thương cùng các doanh nghiệp, hiệp hội...

Các Đại biểu quốc hội, đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội đều đánh giá cao dự thảo Luật hóa chất (sửa đổi), cho rằng việc ban hành Luật là cần thiết trong bối cảnh hội nhập sâu rộng của đất nước, cũng như đảm bảo sự thống nhất và đồng bộ trong hệ thống pháp luật và quản lí giữa các bộ, ngành.

Trong buổi hội thảo, đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội, chuyên gia tập trung đóng góp ý kiến vào các nội dung như: khoảng cách an toàn với địa điểm xây dựng công trình có hoạt động hóa chất, quản lí hóa chất độc hại, phân loại hóa chất, công nghiệp hóa chất, điều kiện hành nghề tư vấn hóa chất, v.v.

Về quy định điều kiện tư vấn hóa chất, nhiều ý kiến cho rằng nên mạnh dạn bỏ điều kiện hành nghề tư vấn chuyên ngành hóa chất, không nên quy định ngành này là ngành nghề kinh doanh có điều kiện mà nên để thị trường quyết định. Việc quy định sẽ gây ra những tốn kém về thủ tục hành chính và chi phí không cần thiết.

Đề cập đến khoảng cách an toàn đối với địa điểm xây dựng công trình có hoạt động hóa chất, có ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, bổ sung để làm rõ quy định khoảng cách an toàn đối với địa điểm xây dựng công trình có hoạt động hóa chất của các dự án mới và dự án đang hoạt động. Trong quá trình phát triển và đô thị hóa, do trong thời gian dài không có quy định về khoảng cách an toàn, nhiều hộ dân đã ở gần sát tường bao xung quanh các nhà máy, vi phạm khoảng cách an toàn, thậm chí có trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Với dự thảo lần này, nhiều nhà máy đang hoạt động có nguy cơ vi phạm về khoảng cách an toàn, dẫn đến nguy cơ phải di dời, mặc dù đó là những vi phạm do các chủ thể khác gây ra, gây thiệt hại cho doanh nghiệp, nhà nước và xã hội. Do đó, cần bổ sung quy định cụ thể về khoảng cách an toàn đối với dự án mới và dự án đang hoạt động để thuận lợi cho doanh nghiệp và địa phương triển khai thực hiện. Đối với dự án đang hoạt động được xây dựng trước khu dân cư cần có quy định cụ thể để chính quyền có chính sách di dời người dân đến vùng an toàn, trả lại hành lang an toàn.

Về phân loại hóa chất, Dự thảo dự kiến sẽ áp dụng nguyên tắc phân loại của Bộ Công thương thay vì Hệ thống hài hòa toàn cầu về phân loại và ghi nhãn hóa chất của Liên hợp quốc (GHS) theo quy định hiện hành. Các ý kiến đóng góp đều cho rằng việc ra 1 quy định riêng như vậy đang đi ngược lại với xu hướng của thế giới. Hệ thống GHS hiện tại đang được hầu hết các quốc gia áp dụng và cập nhật thường xuyên, giúp Việt Nam  có thể tận dụng các nguyên tắc tiên tiến của thế giới mà không cần mất thời gian và công sức để biên soạn nguyên tắc mới, đồng thời tạo thuận lợi trong việc xuất nhập khẩu hàng hóa. Do đó, các ý kiến đề xuất giữ nguyên quy định hiện hành theo Luật Hóa chất 2007.

Liên quan đến quản lí hóa chất,. với việc các tổ chức, cá nhân nhập khẩu hóa chất phải thực hiện khai báo hóa chất nhập khẩu, có ý kiến cho rằng nên giữ nguyên như quy định hiện hành hoặc chỉ áp dụng khai báo trước khi nhập khẩu với hóa chất có điều kiện và hóa chất cần kiểm soát đặc biệt. Dẫn chứng thực tiễn nêu ra rằng trên thế giới cũng chỉ quản lý các hóa chất cần kiểm soát hoặc hóa chất cần kiểm soát đặc biệt, hóa chất độc hại. Ngoài ra, nếu bắt buộc phải khai báo tất cả các hóa chất sẽ gây mất thời gian và gây lãng phí nhân lực.

Về kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất, có ý kiến cho rằng thay vì phải được thẩm định đồng thời với quá trình thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc tài liệu tương đương, kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất phải thực hiện và phê duyệt xong trước khi chính thức đưa công trình vào hoạt động. Do thời điểm lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án các thông tin chưa được đầy đủ, sát với thực tế để đáp ứng yêu cầu xây dựng Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất (đặc biệt là các dự án lớn, thiết kế 3 bước hoặc các gói thầu EPC). Nếu phải lập, thẩm định, phê duyệt nghiên cứu khả thi của dự án sẽ phải thay đổi, hiệu chỉnh sau khi Dự án hoàn thiện thiết kế, lắp đặt và đưa công trình chính thức đi vào hoạt động; đồng thời sẽ tăng thêm thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp, trong khi các doanh nghiệp không hề gặp khó khăn, vướng mắc với quy định hiện hành.

Ngoài ra, cũng có các ý kiến góp ý cho dự thảo về việc xem xét, sửa đổi các thuật ngữ như “hóa chất nguy hiểm”,Hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm, hàng hóa”, “cơ sở hóa chất”, bổ sung định nghĩa về “tạp chất”“sản phẩm phụ” và quy định rõ chỉ tạp chất và sản phẩm phụ có tính chất nguy hiểm, cần kiểm soát đặc biệt thì mới phải khai báo.

Trong bối cảnh chuyển đổi xanh, quy định mới cũng cần làm rõ hơn các quy định, chính sách hóa học xanh, tỉ trọng, công nghệ, thủ tục hành chính, sử dụng năng lượng của hóa học xanh, nhà nước cần có thêm ưu đãi cho các doanh nghiệp áp dụng hóa học xanh và sản xuất, sử dụng, kinh doanh để các doanh nghiệp có động lực và gia tăng tỉ trọng chuyển đổi sang hướng sản xuất, sử dụng, kinh doanh bền vững.

Ngoài ra, cũng có những ý kiến góp ý đề nghị làm rõ về định việc thống nhất các quy định, vấn đề về  phân bổ ngân sách, tiền chất giữa các bộ; tích hợp kế hoạch, biện pháp phòng ngừa ứng phó sự cố hóa chất với kế hoạch, biện pháp phòng ngừa ứng phó sự cố môi trường, chính sách cho hoạt động hóa chất, làm rõ các lĩnh vực hóa chất trọng điểm, giảm thời gian thủ tục hành chính, v.v.

Luật hóa chất mới sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2026, thay thế Luật Hóa chất năm 2007